Nguồn gốc của sơn son thếp vàng

 “Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người…” là câu thành ngữ cổ, trong đó có một ý nói về chất lượng sơn ta. Sơn mà tốt thì khó tránh khỏi dị ứng với người dùng nó. Tôi nhớ hồi còn nhỏ khi tôi đi chặt củi sơn về, do dị ứng với sơn nên khi về khắp mặt tôi bị nhựa sơn bám chặt, nổi cả các nốt đỏ trên mặt, mấy người bạn của tôi cũng đi chặt củi sơn như tôi nhưng không ai bị sao cả. Sau đó tôi phải tắm nước khế cả tuần mới hết. Thế mới biết sơn của nước ta đặc biệt là như vậy. Về cách giải thích hiện tượng sơn ăn, đã có phương pháp y hóa giảng giải; nhưng theo cách nói nôm na của người làm sơn: sơn ăn da ấy là sơn tốt, sơn có “chất” đấy.

Sơn của nước ta được chế ra từ nhựa cây sơn trên rừng. Cây sơn có tên khoa học là Rhussueeldanea. Là đặc sản của nước ta. Cây sơn có ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Cây sơn gồm có sơn tự nhiên và sơn trồng. Cây sơn trồng từ khi reo hạt tới lúc lấy được nhựa phải mất 3 năm. Người ta có thể lấy nhựa ở cây sơn trong 6 đến 8 năm liền, rồi sau chỉ hạ xuống làm củi, vì cây đã hết nhựa. Nhựa sơn lấy từ cây sơn gọi là sơn sống. Sơn sống được để nguyên tại chỗ ba, bốn tháng cho đứng sơn (lắng sơn) và tạo ra nhiếu lớp sơn khác nhau. Lớp lỏng trên cùng có màu nâu, gọi là sơn mặt dầu, đây là lớp sơn tốt nhất. Tiếp đó, là sơn dọi. Dưới nữa là sơn thịt, sơn hom. Lớp cuối cùng là sơn thép (hay gọi là sơn nước thiếc).

CÁCH THỨC LÀM SƠN
Với nồng độ sơn của mỗi lớp khác nhau, người thợ sơn pha chế thành các loại sơn khác nhau. Sơn có 3 màu chính: màu đen gọi là sơn then, màu nâu gọi là sơn cánh gián, màu đỏ gọi là sơn son. Sơn then được làm rất cẩn thận và có bí quyết riêng. Muốn có sơn then, thì đem trộn với nhựa thông và phèn đen, rồi đem quấy kỹ. Quấy sơn là động tác thực hiện nặng nhọc và liên tục, phải quấy trên một ngày. Quấy như thế, là để sơn chín kỹ. Sơn mà không chín già, thì màu sơn không bóng và độ bền của sơn kém.

Muốn có sơn son và sơn cánh gián thì ta cũng phải làm tương tự như vậy. Có điều khi pha chế thì có tỉ lệ khác. Sơn cánh gián là cứ trộn ba phần sơn sống với một phần nhựa thông. Muốn có sơn son, thì ta pha thêm son vào, là có màu sơn son thật quý.

QUY TRÌNH SƠN TƯỢNG, SẬP THỜ, HOÀNH PHI CÂU ĐỐI VÀ CÁC SẢN PHẨM MỸ NGHỆ.
Công việc sơn thếp đòi hỏi phải thật tỉ mỉ. Hàng sơn thếp thường được làm bằng gỗ vàng tâm, gỗ mít, gỗ dổi. Có hàng mộc rồi, người thợ dùng giấy giáp đánh nhẵn. Việc sơn then hoặc sơn son thếp vàng rất công phu. Bước đầu là gắn sơn, rồi sơn lót, rồi mới tới việc sơn phủ. Đấy là sơn hàng trơn, còn như muốn đồ vật hàng sơn hào nhoáng hơn, thì ta dát vàng quỳ lên lớp sơn phủ khi còn ướt. Lớp sơn này khi khô thì giữ lớp vàng quỳ này thật chắc và làm đồ vật thật sang trọng. Công đoạn đầu tiên đó, gọi là hom, bó, làm vóc. Có vóc đẹp rồi, dùng sơn phủ lót ba nước, đánh nhẵn, rồi sơn phủ để thếp vàng quỳ, bạc quỳ. Nếu là thếp bạc quỳ thì buộc phải phủ sơn ta lên bề mặt quỳ bạc. Khi sơn khô, bạc quỳ ngả màu vàng óng như vàng thật. với sản phẩm thếp màu vàng quỳ, không phủ sơn, gọi là thếp sống, cũng có người cẩn thận lại phủ lớp sơn lên quỳ vàng, khi ấy vàng ngả màu vàng đậm, không vàng trong như cách thếp vàng sống, xong đồ vật đã thếp được giữ bền, lâu bay, lâu bạc gọi là thếp chín.
Sản phẩm thếp vàng như tượng gỗ,hoành phi,cuốn thư,câu đối…..

Nguồn: Sưu tầm

Leave Comments

0936707335
0936707335